Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn dai dẳng suốt thời gian qua, xuất khẩu lao động là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề. Những tháng cuối năm 2020, đã có một số tín hiệu tích cực nhưng chưa thực sự rõ ràng.
Những tháng đầu năm 2021, con số người xuất cảnh ra nước ngoài làm việc đã tăng lên đáng kể, cho thấy xuất khẩu lao động đã lạc quan hơn.
Theo con số của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 29.541 lao động (12.022 lao động nữ) đạt 32,82% kế hoạch năm 2021 (năm 2021, dự tính kế hoạch đưa 90 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc).
Dẫn đầu vẫn là những thị trường lớn như: Nhật Bản: 18.178 lao động; Đài Loan: 10.333 lao động…
Các thị trường lớn vẫn có nhu cầu
Nhật Bản là thị trường có chế độ đãi ngộ cho người lao động tốt, mức lương tương đối cao và ổn định. Vì thế, được sang Nhật Bản làm việc là mơ ước của không ít lao động Việt Nam.
Từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên xuất khẩu lao động nói chung, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có chậm lại.
Gần hết năm 2020, những lao động tham gia vào thị trường này gần như không xuất cảnh được. Không ít người lo lắng, nhưng ngay khi các doanh nghiệp kết nối lại được với thị trường này đã đem lại cơ hội cho nhiều lao động.
Đang tham gia học tiếng Nhật và dự kiến sẽ xuất cảnh vào tháng 8 tới đây, Trần Ngọc Hùng (quê ở Thanh Hóa) cho biết, mong muốn lớn nhất của Hùng lúc này là dịch sẽ sớm được kiểm soát để việc học tiếng không bị ảnh hưởng quá nhiều, thời gian xuất cảnh sẽ không bị thay đổi.
“Nhật Bản là thị trường có thu nhập cao và ổn định, dù vậy điều kiện để sang đây làm việc cũng cao hơn so với các thị trường khác. Vấn đề lớn nhất bây giờ là làm sao có thể xuất cảnh đúng theo kế hoạch. Chúng tôi đã bỏ ra không ít thời gian, công sức và tiền bạc để theo đuổi, nên người lao động chỉ mong muốn dịch bệnh sớm được kiểm soát”, Hùng cho biết.
Theo đại diện Công ty cổ phần Nhân lực Tadashi (doanh nghiệp chuyên đưa lao động sang thị trường Nhật Bản làm việc), dự kiến trong năm 2021, đơn vị này sẽ đưa 800 lao động sang thị trường Nhật Bản với các ngành nghề điều dưỡng, nông nghiệp, điện tử, may mặc. Trong ít ngày tới, công ty đang hoàn thiện thủ tục để đưa 30 lao động xuất cảnh.
“Dù ảnh hưởng của dịch bệnh là không nhỏ, nhưng phía công ty vẫn luôn cố gắng tìm kiếm các nguồn khách hàng tiềm năng. Cũng rất may mắn trong năm 2021, chúng tôi đã ký được số lượng lớn các đơn hàng liên quan đến nhiều lĩnh vực. Phía nước bạn cũng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như các thị trường khác nhưng nhu cầu lao động vẫn rất lớn. Để đáp ứng được các đơn hàng từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp xác định đào tạo theo hai hình thức online và offline tùy tình hình dịch bệnh từng thời điểm. Nếu đào tạo offline thì công ty sẽ giữ lại những cán bộ chủ chốt, còn các cán bộ đi cơ sở thì sẽ hoạt động theo hình thức online”, bà Lê Thu Hằng, Giám đốc tuyển dụng Công ty Tadashi cho hay.
Theo đại diện các doanh nghiệp, thích ứng và linh hoạt trong tình hình mới là điều kiện tiên quyết để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động. Dù dịch bệnh có ảnh hưởng thì cũng phải trang bị đủ kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trao đổi với đối tác về quy định của các nước sở tại để người lao động được nhập cảnh hợp pháp, an toàn.
Thị trường Nhật Bản vẫn có nhu cầu lớn đối với lao động Việt Nam. |
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), do từ đầu năm 2021 đến nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chính vì thế bên cạnh thực hiện các giải pháp để thúc đẩy đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo kế hoạch thì mục tiêu quan trọng không kém là bảo đảm an toàn cho người lao động.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ít ngày qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rà soát lao động có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trước khi xuất cảnh.
Theo đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền sở tại khi tổ chức hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động.
Các doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; duy trì khoảng cách an toàn theo quy định; khuyến khích tổ chức tuyển chọn, đào tạo thông qua hình thức trực tuyến.
Khi tổ chức cho người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch; quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
“Hiện nay dù số lượng lao động xuất cảnh chưa thể tăng đột biến nhưng những tháng vừa qua số lao động xuất cảnh khá ổn định. Chính vì thế, chúng tôi yêu cầu các doanh nghiệp khi tổ chức xuất cảnh cho người lao động, phải tuân thủ tuyệt đối các các quy định, quy chế về phòng, chống dịch và quán triệt cho người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19,. Trong trường hợp ghi nhận thông tin người lao động xuất cảnh bị nhiễm, nghi nhiễm COVID-19, doanh nghiệp phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh theo quy định sở tại. Đồng thời doanh nghiệp phải báo cáo ngay với cơ quan chức năng địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi người lao động thường trú để phối hợp và có biện pháp xử lý y tế phù hợp”, ông Phạm Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết.