6 tháng đầu năm, bao giờ cũng là thời điểm công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) diễn ra sôi động nhất và là cơ hội để thực hiện trên 50% chỉ tiêu kế hoạch được giao của năm. Tuy vậy, năm 2021 vẫn là một năm có quá nhiều khó khăn đối với công tác XKLĐ khi tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới, nhất là ở những thị trường lao động truyền thống của Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 408 người đi xuất khẩu lao động, đạt 29,1% kế hoạch năm.
Nho Quan là huyện còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, do đó, địa phương luôn xác định công tác XKLĐ là hướng tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và bền vững nhất. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, với số tiền tích cóp được, các lao động đi xuất khẩu đã làm thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình. Với tiềm năng về nguồn lao động dồi dào, huyện Nho Quan luôn là địa phương được giao chỉ tiêu nhiều nhất tỉnh, có năm lên tới gần 300 chỉ tiêu. Hàng năm, huyện luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức số chỉ tiêu được giao.
Cũng như các địa phương khác, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020, công tác XKLĐ của huyện Nho Quan bị ảnh hưởng khá nặng nề. Do đó, chỉ tiêu XKLĐ năm 2021 của huyện Nho Quan được giao đã giảm nhiều so với các năm trước. Để thực hiện được chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tuyển lao động đi xuất khẩu. Đặc biệt, huyện cũng tận dụng tốt quãng thời gian công tác XKLĐ bị chững lại trong năm 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh để phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ người lao động chuẩn bị về ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, hết 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện Nho Quan cũng mới chỉ đưa được 73 lao động đi xuất khẩu, đạt 30,4% kế hoạch năm. Ông Quách Văn Vỹ, Trưởng phòng LĐ,TB & XH huyện Nho Quan cho biết: Huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tuyên truyền về những chính sách ưu đãi đối với lao động đi xuất khẩu theo Đề án 12 của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làm thủ tục hợp đồng vay vốn với mức vay từ 50-100 triệu đồng để tham gia vào thị trường khá như Nhật Bản, Hàn Quốc. Có những trường hợp đã được giải ngân song chưa thể đi được do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tại các xã, thị trấn, mặc dù có nhiều lao động đăng ký đi xuất khẩu, đã hoàn thành việc thi tay nghề, nhưng việc học ngoại ngữ bị tạm dừng…. Tuy vậy, “biến khó khăn thành lợi thế”, hiện tại chúng tôi vẫn lựa chọn phương pháp tuyên truyền phù hợp để mọi người dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc… được hiểu rõ lợi ích của XKLĐ. Phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp có sự chuẩn bị, bồi dưỡng tay nghề, trình độ ngoại ngữ để sẵn sàng dự tuyển các đơn hàng ở thị trường lao động khá.
Theo thống kê từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh mới chỉ có 408 lao động đi xuất khẩu, đạt 29,1%. Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở cho biết: XKLĐ có vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện rõ nét đời sống cho người dân. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 6.252 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hàng năm, lượng kiều hối do lao động gửi về đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế- xã hội ở các địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống cho rất nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, hiện nay, cũng như các địa phương khác trong cả nước, công tác XKLĐ ở tỉnh ta cũng đang chững lại do dịch COVID-19 tác động đến nhiều thị trường lao động truyền thống của Việt Nam. Khó khăn này bắt đầu từ năm 2020 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Tuy vậy, đây cũng chỉ là những khó khăn khách quan. Công tác phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Sau khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu sử dụng nhân lực nước ngoài của các nước phát triển trên thế giới là rất lớn. Để đáp ứng được nhu cầu về nhân lực chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt công tác tạo nguồn từ thời điểm này.
Các cấp, các ngành liên quan và các địa phương cần xây dựng kế hoạch, lộ trình để đào tạo tay nghề, kỹ năng ứng xử cho lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Thường xuyên cập nhật những nhu cầu mới về việc làm của các nước để có những điều chỉnh phù hợp với ngành nghề, về thời gian tiếp nhận lao động, tránh để lao động học nghề rồi nhưng vẫn chờ đợi quá lâu vẫn chưa xuất cảnh được.
Đặc biệt, trong tình cảnh khó khăn này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp và người xuất khẩu lao động tự làm mới mình. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần đầu tư chất lượng đào tạo, đẩy mạnh tìm kiếm thêm đối tác, mở rộng và thâm nhập vào thị trường khắt khe hơn, từng bước nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Trước mắt, trong lúc chờ đợi tình hình dịch COVID-19 ổn định để có thể đi xuất khẩu, người lao động hoàn toàn có thể tìm việc làm tại chỗ để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống cho gia đình. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bời dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã thích ứng và vượt khó thành công, đảm bảo được các đơn hàng lớn. Nhờ đó, vẫn tăng nhu cầu tuyển dụng lao động. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 9 nghìn lao động.
Bài, ảnh: Đào Hằng
Nguồn Báo Ninh Bình